Nằm trong hệ thống các bảo tàng quốc gia Việt Nam, trực thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được đánh giá là một trong những bảo tàng có vị trí quan trọng nhất trong việc lưu giữ và phát huy kho tàng di sản văn hoá nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Thành lập ngày 24 tháng 6 năm 1966, sứ mệnh của Bảo tàng là nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, tu sửa, phục chế, trưng bày, giáo dục, truyền thông và phát huy giá trị các tài liệu, hiện vật, các tác phẩm mỹ thuật tiêu biểu của nước nhà tới công chúng trong và ngoài nước.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam toạ lạc tại địa chỉ 66 Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Bảo tàng thu hút một số lượng lớn du khách trong nước và nước ngoài không chỉ bởi chất lượng của các sưu tập hiệu vật, mà còn ở cả phần kiến trúc nghệ thuật và tòa nhà lịch sử.
Bảo tàng được xây dựng từ thời Pháp thuộc, nguyên là nơi ăn ở cho con gái các quan chức Pháp trên toàn Đông Dương về học tại Hà Nội.
Năm 1962, Nhà nước giao ngôi nhà cho Bộ Văn hoá để sửa sang thành nơi sưu tầm, trưng bày và lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu, có giá trị của Việt nam từ thời Tiền sử cho đến ngày nay. Từ một ngôi nhà có kiến trúc kiểu châu Âu, toà nhà đã được cải tạo mang nhiều nét kiến trúc Việt Nam, phù hợp với chức năng một bảo tàng mỹ thuật.
Năm 1966, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chính thức mở cửa đón khách tham quan. Diện tích toàn bộ khuôn viên Bảo tàng đến nay khoảng 4.737m2 trong đó diện tích trưng bày trên 3.000m2. Bên cạnh không gian trưng bày thường xuyên, Bảo tàng có không gian Trưng bày chuyên đề, Không gian sáng tạo cho trẻ em và Không gian ẩm thực và đồ uống. Ngoài trụ sở chính tại đường Nguyễn Thái Học, Bảo tàng còn có cơ sở 2 tại Hoàng Cầu - Ô Chợ Dừa (Hà Nội) với một không gian lớn, trang thiết bị đầy đủ, hiện đại, được sử dụng để bảo quản và phục chế các tác phẩm nghệ thuật, cũng như tổ chức các cuộc hội thảo khoa học trong nước và quốc tế.
Nghiên cứu, Sưu tầm là một trong những hoạt động trọng tâm nhất của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Hơn 50 năm qua, Bảo tàng đã có nhiều công trình nghiên cứu mỹ thuật có giá trị, đặc biệt là các công trình nghiên cứu mỹ thuật cổ đại và mỹ thuật cận-hiện đại, làm cơ sở cho việc sưu tầm hiện vật và xây dựng nội dung trưng bày Bảo tàng những ngày đầu thành lập. Bảo tàng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo về mỹ thuật và bảo tàng học. Các công trình nghiên cứu và hội thảo khoa học đã góp phần xây dựng một hệ thống lý thuyết và tư liệu quý, làm cơ sở lý luận phục vụ các hoạt động chuyên môn của Bảo tàng.
Công tác sưu tầm, bổ sung hiện vật được các thế hệ lãnh đạo Bảo tàng đặc biệt quan tâm. Ngay sau khi được thành lập, Bảo tàng đã tổ chức các cuộc điền dã tại các di tích của nhiều địa phương trong cả nước để sưu tầm bổ sung thêm hiện vật mỹ thuật cổ; đi sưu tầm các tác phẩm mỹ thuật điêu khắc, hội họa, đồ họa tại các cuộc triển lãm mỹ thuật và từ các bộ sưu tập của cá nhân, của các họa sĩ, nhà điêu khắc để bổ sung cho mỹ thuật cận-hiện đại, đương đại.
Với sự cố gắng và nỗ lực, đến nay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã sưu tầm, lưu giữ được một khối lượng gần 20.000 hiện vật, tác phẩm mỹ thuật có giá trị, phản ánh được cơ bản lịch sử phát triển của nền Mỹ thuật Việt Nam, một nền mỹ thuật lâu đời, phong phú, đa dạng và đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt là bộ sưu tập của các thế hệ họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương có một chỗ đứng quan trọng, đánh dấu một giai đoạn phát triển rực rỡ của nền Mỹ thuật Việt Nam.
Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách tham quan và có thể giới thiệu số lượng hiện vật sưu tầm ngày càng nhiều, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mở rộng diện tích trưng bày (từ 1.000m2 lúc ban đầu đến nay đã có 3.000m2). Trong hai thập niên 70-80 của thế kỷ 20, Bảo tàng xây dựng thêm khu nhà B (1977). Vào thập niên 90, Bảo tàng mở rộng thêm diện tích khu vực nhà A (tòa nhà chính) về phía sau nhằm thực hiện một hướng trưng bày mới, theo đó ưu tiên phần trưng bày Mỹ thuật Cổ đại. Các tác phẩm mỹ thuật tạo hình cận-hiện đại được trưng bày một cách trang trọng, khoa học, gây ấn tượng, phản ánh được một giai đoạn phát triển rực rỡ của thế hệ các họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương và những giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, Bảo tàng tiếp tục mở rộng, khai thác các diện tích còn trống như sử dụng tầng hầm nhà B để trưng bày sưu tập gốm.
Đến nay, Bảo tàng giới thiệu gần 2.000 hiện vật tại hệ thống trưng bày thường xuyên. Hiện vật trưng bày tăng lên về cả số lượng và chất lượng; giải pháp trưng bày khoa học, hợp lý, hấp dẫn; hệ thống chú thích rõ ràng; hệ thống ánh sáng hiện đại v.v… đáp ứng được yêu cầu của một Bảo tàng hiện đại và nhu cầu của khách tham quan. Ngoài hệ thống trưng bày thường xuyên, hằng năm, Bảo tàng tổ chức nhiều cuộc triển lãm lưu động tại các địa phương trong cả nước và các nước trên thế giới như: Hoa Kỳ, Nga, Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Lào v.v... Thêm vào đó, nhiều triển lãm của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài diễn ra tại Bảo tàng, tạo một sân chơi cho giới mỹ thuật.
Trong những năm gần đây, công tác thuyết minh, hướng dẫn khách và công tác giáo dục của Bảo tàng được đặc biệt quan tâm và đi vào hoạt động có hiệu quả. Công chúng trong và ngoài nước đến với Bảo tàng ngày càng đông. Bảo tàng đã xây dựng được nhiều chương trình tham quan theo các chủ đề đa dạng nhằm phục vụ du khách, nhất là các tour du lịch.
Năm 2011, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khai trương “Không gian sáng tạo cho trẻ em”.
Với thiết kế không gian mang tính mở, công năng sử dụng linh hoạt, đảm bảo tính hấp dẫn, phù hợp tính cách, tâm lý lứa tuổi, nội dung hoạt động tại “Không gian sáng tạo cho trẻ em” hướng đến mục đích cụ thể sau:
Dịch vụ trải nghiệm dành cho trẻ em tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bao gồm:
Kiểm kê, Bảo quản là một trong sáu khâu quan trọng của công tác Bảo tàng. Với nhiệm vụ tiếp nhận hiện vật từ công tác sưu tầm, thực hiện các thủ tục đăng ký, xác lập tính pháp lý, xây dựng hồ sơ cho hiện vật cùng các công tác nghiệp vụ khác như: kiểm kê, bảo quản, sắp xếp, theo dõi đánh giá tình trạng và thực hiện việc xuất - nhập hiện vật bảo tàng.
Hiện nay, phòng Kiểm kê, Bảo quản đang quản lý số lượng gần 20.000 hiện vật gồm khoảng 18.000 hiện vật lưu giữ trong các kho bảo quản (tại Cơ sở 2) và 2.000 hiện vật đang trưng bày thường xuyên tại Cơ sở 1 (Số 66, Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội). Đây là một khối lượng hiện vật phong phú về chất liệu, đa dạng về loại hình và tiêu biểu cho nền Mỹ thuật Việt Nam từ thời Tiền sử cho đến ngày nay.
Kho cơ sở của BTMTVN có diện tích gần 1000m2 và được phân chia thành 08 kho bảo quản gồm: Kho Điêu khắc cổ, Kho Điêu khắc hiện đại, Kho Hội họa Sơn dầu, Kho Hội họa Sơn mài, Kho Hội họa Giấy + Lụa, Kho Mỹ thuật Truyền thống, Kho Gốm Cổ và Kho Gốm Cù Lao Chàm.
Công tác bảo quản hiện vật được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam luôn quan tâm đầu tư đúng mức và tiến hành thường xuyên. Trong những năm gần đây, kho hiện vật đã được trang bị, nâng cấp hệ thống máy điều hòa, hút ẩm đảm bảo duy trì nhiệt độ, độ ẩm, môi trường bảo quản một cách ổn định theo khuyến nghị của các chuyên gia nhằm bảo quản hiện vật ở tình trạng tốt nhất trong điều kiện của Bảo tàng.
Các trang thiết bị như: tủ bảo quản, giá treo tranh, giá đỡ hiện vật… cũng được đầu tư, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu sắp xếp hiện vật một cách khoa học, hợp lý và đảm bảo công tác bảo quản phòng ngừa cho hiện vật. Các bộ sưu tập hiện vật được sắp xếp khoa học, hợp lý, thuận lợi cho công tác quản lý cũng như chế độ bảo quản. Đội ngũ cán bộ làm công tác Kiểm kê, Bảo quản ngày càng chuyên nghiệp.
Bảo quản hiện vật là hoạt động chuyên môn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong mỗi Bảo tàng. Năm 1972, Phòng Phục chế được thành lập trên cơ sở Tổ Trang trí, Phục chế, với các bộ phận chuyên môn khác nhau như: Tranh sơn mài, sơn dầu, điêu khắc, giấy, lụa. Sau nhiều lần đổi tên, năm 2006, Trung tâm Bảo quản, Tu sửa tác phẩm mỹ thuật chính thức ra đời theo quyết định của Bộ Văn hóa - Thông tin.
Trong nhiều năm qua, Trung tâm BQTSTPMT đã thực hiện công tác tu sửa, bảo quản, bảo dưỡng các tác phẩm hiện vật điêu khắc, sơn mài, sơn dầu, giấy, lụa, hạn, chế được sự xuống cấp của hiện vật, làm tăng thêm tuổi thọ cho hiện vật của Bảo tàng, góp phần giảm chi phí cho ngân sách Nhà nước trong khi chúng ta chưa có đủ điều kiện kinh phí thuê chuyên gia nước ngoài thực hiện. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã thực hiện một số dự án tu sửa cho các tổ chức khác như: bảo quản tu sửa các hiện vật cho Hội trường Dinh Thống nhất, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Quảng Ninh, Khu di tích Phủ Chủ Tịch, Khu di tích Nhà Rồng, Trung tâm nghệ Thuật Lê Bá Đảng - Điềm Phùng Thị, khảo sát đánh giá tình trạng hiện vật và đưa ra phương án bảo quản tu sửa các tác phẩm hiện vật cho Bảo tàng Cayxonphonvihan của Lào và lập chương trình cùng Lào thực hiện bảo quản tu sửa một số tác phẩm v.v...
Những năm gần đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với Trung tâm là nòng cốt đã phối hợp cùng Viện Goethe và trường Đại học Mỹ thuật Dresden tổ chức các đợt tập huấn do chuyên gia Đức thực hiện nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ của Trung tâm và một số bảo tàng bạn, đẩy mạnh các hoạt động bảo quản, tu sửa của BTMTVN, đồng thời tạo cơ sở để từng bước phát triển tổ chức và hoạt động của Trung tâm BQTSTPMT trở thành một trung tâm quốc gia trong tương lai.
Hiện nay, các trang thiết bị phục vụ cho công tác tu sửa, bảo quản dần được đầu tư, nâng cấp, đội ngũ cán bộ Trung tâm làm công tác bảo quản tu sửa tiếp tục được bồi dưỡng, đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ về công tác bảo quản, tu sửa, phục chế các chất liệu như sơn dầu, giấy, gỗ v.v… do các chuyên gia phục chế nước ngoài hướng dẫn thực hiện.
Qua những hoạt động về công tác bảo quản, tu sửa tác phẩm hiện vật, Trung tâm Bảo quản, Tu sửa tác phẩm mỹ thuật đã thể hiện được vai trò của mình, đồng thời chuẩn bị cho hướng phát triển để trở thành một trung tâm mang tầm quốc gia theo chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch.
Với chủ trương mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế về lĩnh vực Mỹ thuật và Bảo tàng, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm giới thiệu các bộ sưu tập Mỹ thuật tại các nước trên thế giới (Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Lào…), đồng thời tổ chức nhiều cuộc triển lãm Mỹ thuật của các tổ chức, cá nhân họa sĩ nước ngoài tại Bảo tàng (Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Nga, Đức, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Hungary…). Bảo tàng xây dựng mối quan hệ hợp tác với các nước về công tác tu sửa phục chế tác phẩm Mỹ thuật (Cộng Hòa Liên Bang Đức, Australia, Nhật Bản…), công tác giáo dục bảo tàng (Bỉ), cử nhiều đoàn cán bộ chuyên môn đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài và tham gia các hội thảo quốc tế, là thành viên của các tổ chức Bảo tàng thế giới (Tổ chức ICOM, diễn đàn các Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á, tổ chức SPAFA…). Ngoài ra, Bảo tàng còn nhận được sự ủng hộ, tài trợ của một số tổ chức, cá nhân về tài chính, nhân lực giúp cho các hoạt động chuyên môn.