Phan Thiết hấp dẫn hàng ngàn khách du lịch mỗi năm bởi nơi đây có thời tiết mát mẻ quanh năm, nhiều bãi biển đẹp, danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Đặc biệt, Phan Thiết còn sở hữu khu di tích trường Dục Thanh đã có lịch sử hơn 100 năm tuổi – nơi thầy giáo Nguyễn Tất thành từng sống và dạy học, cũng là nơi ghi dấu hành trình của Bác
Ngoài cổng vào khu di tích (ảnh ST)
Tọa lạc ở làng Thành Đức, nay là số 39 đường Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, Phan Thiết. Trường nằm kề bên bờ sông Cà Ty xinh đẹp hiền hòa của thành phố Phan Thiết
Nhà Ngọa Du Sào (ảnh ST)
Du khách được tham quan khu di tích trường Dục Thanh miễn phí
Du khách đi theo đoàn muốn thuê hướng dẫn viên tại điểm có thể liên hệ văn phòng của bảo tàng
Nếu du khách đi xe gắn máy có thể gửi xe ở cổng bên trường Dục Thanh
Phòng học lớn khu di tích (ảnh ST)
Khu di tích trường Dục Thanh hay còn gọi là Dục Thanh Học Hiệu, Giáo Dục Thanh Thiếu Niên, là một ngôi trường do các sĩ phu yêu nước ở Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận sáng lập vào năm 1907 để hưởng ứng phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng tại Trung Kỳ.
Phía trong phòng học (ảnh ST)
Trường Dục Thanh là một cơ sở của Công ty Liên Thành – một tổ chức yêu nước nổi tiếng được thành lập hồi đầu thế kỉ 20 gồm 3 bộ phận với chức năng: làm kinh tế gây quỹ hoạt động, tuyên truyền và truyền bá các sách báo có nội dung yêu nước và mở trường dạy học cho con em người yêu nước và lao động nghèo theo nội dung yêu nước và tiến bộ do các nhà chí sĩ Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh, Trương Gia Mô, Hồ Tá bang, Nguyễn Hiệt Chi, Trần Lệ sáng lập ở Phan Thiết nhằm hưởng ứng phong trào Duy Tân mà Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng tại Trung Kỳ
Bàn uống nước của thầy giáo (Ảnh St)
Từ ngoài đường nhìn vào, khu di tích là những dãy nhà rêu phong cổ kính, xen kẽ với những mảng cây xanh được chăm chút gọn gàng.
Kiến trúc phòng học (ảnh ST)
Trường Dục Thanh có cấu trúc chính gồm 2 nhà lớn bằng gỗ dùng làm phòng học, 1 ngôi nhà lầu nhỏ. Trong phòng học có 2 cái bảng đen phía 2 bên lớp học và bộ bàn ghế của giáo viên. Khi đó có khoảng 60 học sinh các lớp tư, ba, nhì, nhất với 7 thầy giáo giảng dạy. Nguyễn Tất Thành là thầy giáo giỏi và trẻ nhất, chủ yếu là dạy chữ Quốc ngữ và Hán văn.
Sân vườn thoáng mát, không khí trong lành ở khu di tích (ảnh ST)
Cùng với dạy học, thầy giáo Nguyễn Tất Thành còn truyền bá cho học sinh lòng yêu quê hương đất nước qua từng buổi học.
Hồ sen trước cửa phòng học (ảnh ST)
Phía bên phải gian phòng học là Nhà Ngư, làm nơi nội trú của thầy giáo và học sinh trường Dục Thanh.
Khu di tích trường Dục Thanh (ảnh ST)
Phía sau phòng học và Nhà Ngư được gọi là Ngọa Du Sào là nơi bàn việc, tiếp khách quý, luận đàm văn thơ và nhà Ngự làm nơi ở chung của các thầy và trò xa nhà.
Biển giới thiệu trường (ảnh ST)
Ấn tượng nhất là phần di tích cũ vẫn còn nguyên vẹn – giếng nước mát lịm, nhỏ nhắn được xây bằng gạch ở phía sau Ngọa Du Sào. Cây khế cụ Nguyễn Thông trồng cách đây hơn 100 năm gần giếng nước vẫn xanh tốt, um tùm hoa lá. Ngoài ra, trong khu di tích còn nhiều loại cây như cây si lâu năm và các dãy cây được cắt tỉa gọn gàng.
Giếng nước trong trường (ảnh ST)
Tại đây, du khách còn được xem những hiện vật gắn bó với Bác như: bộ trường kỷ Bác ngồi, bộ ván gỗ Bác ngủ mỗi đêm, chiếc án thư, chiếc tủ đứng Bác để tư trang cá nhân, tráp văn thư, nghiên mài mực, khay và ly uống nước… Tất cả các hiện vật, cây cối tạo cho ngôi trường cảm giác thân thiện, gần gũi.
Du khách đến tham quan trường (ảnh ST)
Trường Dục Thanh không đơn thuần chỉ là một ngôi trường bình thường mà người dân Bình Thuận còn coi nơi đây là cái nôi của tinh thần hiếu học và tình yêu quê hương đất nước. Hàng năm, trường đón tiếp hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan và thưởng lãm
Vườn tược xung quanh khu di tích (ảnh ST)