T Hhành phố du lịch Đà Nẵng vốn nổi tiếng giàu nguồn tài nguyên thiên nhiên như các bãi biển xanh, bờ cát trắng, núi đồi trùng điệp, hệ thống sông ngòi đầy phù sa màu mỡ… Không những thế, Đà Nẵng còn sở hữu khá nhiều công trình kiến trúc hiện đại độc đáo đang trở thành tâm điểm của khách du lịch trong và ngoài nước như Cầu Rồng – cầu thép dài nhất thế giới, cầu Sông Hàn – cầu xoay duy nhất của Việt Nam… Tuy nhiên, một trong những địa điểm thu hút du khách đến nơi đây còn là các di tích cổ đại và di sản văn hóa từ ngàn đời xưa.
Hàng cây sứ hai bên mang không khí cổ xưa cho lối vào bảo tàng Chăm - Ảnh: Tuoitretour
Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm Pa (còn được gọi là Cổ Viện Chàm) tọa lạc trên đường 2/9 quận Hải Châu thành phố Đà Nẵng. Khách du lịch Đà Nẵng khi mới bước vào khuôn viên này, sẽ phải trầm trồ ngạc nhiên bởi kiến trúc Gothic độc đáo với phong cách mái vòng cung có đầu nhọn, cộng với hệ thống cửa sổ kính rộng giúp ánh sáng mặt trời len lỏi mọi ngóc ngách của bảo tàng.
Kiến trúc Gothic ảnh hưởng đậm nét từ kiến trúc Pháp, kết hợp với không gian rộng thoáng cùng những khóm hoa sứ tỏa hương dịu nhẹ khắp mọi ngóc ngách mang đến cho mỗi du khách một cảm xúc bất ngờ thú vị. Toàn bộ tòa nhà và phong cách kiến trúc ban đầu của bảo tàng vẫn còn được bảo tồn giữ gìn cho đến ngày nay mặc dù đã trải qua hai lần mở rộng quan trọng vào năm 1936 và 2002.
Bảo tàng được thiết kế bởi hai kiến trúc sư người Pháp Delaval và Auclair - Ảnh: Panoramio
Cổ Viện Chàm được chính thức khánh thành vào đầu năm 1919, là bảo tàng trưng bày các hiện vật Chăm quy mô nhất trên thế giới nên đã trở thành một điểm nhấn nổi bật của du lịch Đà Nẵng. Việc thu thập những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc của vương quốc Chăm Pa từ Hà Tĩnh tới Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên đã bắt đầu từ những năm cuối thế kỷ 19 được thực hiện bởi các nhà khảo cổ học đến từ Trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp liên kết với một số người Việt Nam yêu ngành khảo cổ.
Du khách Pháp đến Đà Nẵng luôn ghé thăm Cổ Viện Chàm
Hiện tại Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm Pa – một trong những điểm thu hút khách du quốc tế du lịch nhất Đà Nẵng, đang sở hữu gần 2000 hiện vật lớn nhỏ. Trong đó, tổng số hiện vật nghệ thuật trưng bày lên tới gần 500 món và được phân chia theo nguồn gốc khu vực địa lý nơi chúng được phát hiện hoặc khai quật, bao gồm phòng Quảng Trị, phòng Trà Kiệu, Mỹ Sơn, Đồng Dương, Tháp Mẫm – Bình Định, hành lang Quảng Nam, hàng lang Quảng Ngãi và một phòng trưng bày mở rộng.
Các hiện vật rồng, sư tử, chim thần Garuda... ở phòng Tháp Mẫm – Bình Định
Với cách phân chia theo nguồn gốc địa lý này, những du khách đã có trải nghiệm với các di tích văn hóa sẽ dễ dàng nhận ra dấu ấn về kiến trúc Chăm đặc trưng của mỗi địa phương do ảnh hưởng văn hóa và lối sống mỗi vùng miền của nước Việt Nam ngày xưa.
Hiện vật đài thờ Linga, Phù điêu Vishu, Thần hộ pháp Siva ở phòng Trà Kiệu
Tượng thần Deva, các tu sĩ… ở phòng Đồng Dương
Không gian trưng bày của Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm ở Đà Nẵng thật sự rất rộng và làm nhiều khách du lịch bất ngờ vì lầm tưởng dáng vẻ nhỏ bé bên ngoài của nó. Với tổng diện tích 6673 m2, trong đó phần trưng bày 2000 m2, ngoài các phòng địa lý nói trên, phía sau bảo tàng là gian nhà hai tầng mới xây để trưng bày những cổ vật còn cất giữ trong kho và các tài liệu, tranh ảnh về kiến trúc Chăm và các nền văn hóa khác ở khu vực Đông Nam Á.
Tượng vị thần Ganesha đầu voi mình người rất phổ biến trong Ấn Độ giáo
Chất liệu chính của phần lớn các tác phẩm điêu khắc hiện có tại Cổ Viện Chàm là sa thạch, đất nung và đồng. Sa thạch được sử dụng nhiều nhất trong khoảng thời gian từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 15 với hoa văn trạm khắc vô cùng tinh xảo, độc đáo, thể hiện một sự phát triển tột bậc của nghệ thuật điêu khắc Chăm thời bấy giờ.
Chất liệu đất nung cũng phổ biến rộng rãi trong nghệ thuật điêu khắc Chăm
Hình ảnh các vị nữ thần được sử dụng rất nhiều trong kiến trúc Chăm
Sau khi ba hiện vật là Tượng Bồ Tát Tara, Đài thờ Mỹ Sơn E1 và Đài thờ Trà Kiệu được công nhận là bảo vật quốc gia, Cổ Viện Chàm càng thu hút khách quốc tế đến du lịch Đà Nẵng và ghé thăm viện bảo tàng duy nhất trên thế giới về nền văn minh Chăm Pa này.
Ở đài thờ Mỹ Sơn E1, bạn sẽ được ngắm nhìn các bức chạm miêu tả nhiều cảnh sinh hoạt hàng ngày trong rừng của các tu sĩ Ấn Độ Giáo một cách sống động, đầy tính nghệ thuật.
Đài thờ Mỹ Sơn E1 trong phòng trưng bày Mỹ Sơn
Đài thờ Trà Kiệu là một tác phẩm điêu khắc chạm trổ rất trau chuốt, tỉ mỉ đến từng chi tiết, hình ảnh nhỏ nhất. Đây là một trong những kiệt tác bất hủ của nghệ thuật điêu khắc Chăm với giá trị vô giá muôn đời, luôn gây sự chú ý của khách du lịch Đà Nẵng đến thăm bảo tàng.
Đài thờ Trà Kiệu nổi bật trong phòng trưng bày Trà Kiệu
Nổi bật trong gần 500 tác phẩm điêu khắc Chăm tuyệt vời của bảo tàng là tượng Bồ tát Tara – tác phẩm bằng chất liệu đồng duy nhất của Cổ Viện Chàm. Bồ tát Tara được trưng bày ở vị trí trang trọng trong phòng Đông Dương. Với chiều cao 1.148m, tượng Tara được coi là tác phẩm bằng đồng lớn nhất của nghệ thuật điêu khắc Chăm đến thời điểm hiện tại.
Với vẻ đẹp vô cùng quyến rũ và siêu thoát của những đường nét chạm trổ tinh tế, tượng Bồ tát Tara đã và đang thu hút sự ngưỡng mộ của hầu hết khách tham quan, đem đến cho họ đôi chút tò mò về những phần tổn thất ở các ngón tay vị Bồ tát.
Tượng Bồ tát Tara – tượng đồng duy nhất của Cổ Viện Chàm
Qua tạp chí và các trang thông tin du lịch, rất nhiều du khách quốc tế mong muốn đến Việt Nam, ghé thăm Đà Nẵng để tìm đến Cổ Viện Chàm. Bởi lẽ đối với họ, những địa danh lưu giữ các dấu tích của nền văn minh cổ xưa không còn nhiều và Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm Pa của Đà Nẵng là một nơi du lịch quý hiếm như vậy trên thế giới.
Du khách quốc tế đang chăm chú ngắm nhìn tượng Tara
Khi đi du lịch Đà Nẵng và ghé thăm Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm Pa, dù cho thời tiết nắng bức hay mưa dầm, một khi đã bước vào không gian đặc biệt này, Mytour tin rằng bạn sẽ giũ bỏ được hết mọi phiền muộn bộn bề thường ngày trong cuộc sống. Không những chìm đắm vào sự tĩnh lặng với những hoài niệm vấn vương về một vương quốc Chăm Pa hưng thịnh cổ xưa, mà bạn còn được mở rộng tri thức về các di tích văn hóa lịch sử của tinh hoa nghệ thuật điêu khắc Chăm.